VNREBATES

Nghề Trading – Kỳ 6: Kiểm soát rủi ro và bảo vệ nguồn vốn

21.07.2020, 09:03 6 phút đọc

Cái nôi của mọi tổ chức giỏi – là nhân sự. Quản lý con người ít nhiều là một trong những việc khá khó với những người quản lý quỹ nói riêng hay mọi cấp quản lý nói chung.

#banker_sharing

Cái nôi của mọi tổ chức giỏi – là nhân sự. Điều này mình chắc chắn các anh em nào ở đây mà có làm doanh nghiệp riêng, đang trong quá trình khởi nghiệp chắc chắn hiểu rất rõ. Ví như tổ chức là 1 chiếc thùng gỗ chứa nước. Cả tổ chức sẽ gặp sự cố khi có 1 thanh gỗ kém chất lượng, hị hư, gãy giữa chừng. Có rót bao nhiêu nước thì độ cao của mực nước chỉ bằng được thanh gỗ ngắn nhất, đúng không nè?


Quay lại câu chuyện nhân sự, đầu tiên việc lựa chọn người giỏi đã khó – lựa được người có khả năng tương đồng còn khó hơn, và cuối cùng khó nhất – là người phù hợp với tầm nhìn của tổ chức.

Quản lý quỹ, thì trong đó 40% thời gian công việc là làm việc với con người. Kỹ năng làm việc với con người theo mình đánh giá, là top 10 kỹ năng quan trọng bậc nhất đối với những ai muốn lên được tầm quản lý.

Quan hệ đối tác với khách hàng, quan hệ với nhà đầu tư cá nhân, với các bank, các tổ chức liên quan khác. Đó là phần đối ngoại, còn đối nội là với những anh em chiến hữu cùng mình. Ngày đêm nhìn ngắm thị trường, mổ xẻ, họp hành, ăn uống chung, chửi nhau, làm lành, mọi thứ đều có. Cá nhân mình là người hướng nội và mình cũng thấy việc đối nội thật sự là khó hơn nhiều.

Bạn thử hình dung, với đối tác hay khách hàng, rất nhiều nơi dạy cách gây ấn tượng tốt, khiến khách hàng tin tưởng, đàm phán chất lượng blah blah, thì rất nhiều. Nhưng dạy được cách giữ được những người đồng đội đi cùng, thì khó hơn thế.

Leader của 1 team phải là người hiểu được cách gây sự ảnh hưởng tích cực lên người khác, động viên họ khi cần, đe doạ khi có sự thay đổi đến an nguy của tổ chức, khích lệ để có động lực và an ủi khi gặp sự cố bất trắc.

Trader nói chung, tuỳ theo vai trò công việc mà mỗi người sẽ có một nét đặc trưng riêng theo phạm trù công việc đó. Ví dụ người làm quản lý rủi ro sẽ rất xét nét cẩn trọng và kỹ tính. Trader thì lão làng sẽ cẩn trọng, mới vào nghề thì thường hiếu thắng. Portfolio manager thì góc nhìn đa chiều, cái gì cũng hỏi vặn hỏi vẹo tới tới lui lui. Nói chung là “bệnh nghề nghiệp” sẽ ảnh hưởng lên phong cách của mỗi người.

Những tố chất của một Trader giỏi

Như mình từng nói, trader thì ông nào cũng có cái tôi to như quả đất. 3 người gộp lại thì sẽ là đánh nhau còn hơn 5 người thì dễ thành đại hoạ. Ai cũng muốn là mình đúng nhưng quên mất là chỉ có thị trường luôn đúng.

Điều này là sự thật chứ không phải vô căn cứ đâu. Ai tự lập team trading rồi sẽ hiểu. Tuy nhiên, tựu trung lại với mỗi người làm trong ngành tài chính nói chung và trading nói riêng – thì thường có 3 đặc tính khá cơ bản mà mình hay thấy:

– Họ rất giỏi: Ngành này gần như quy tụ các sao hạng A về tư duy và trí tuệ không kém gì kỹ sư, bác sĩ hay kỹ thuật. Thường dạo về sau này từ nhóm kỹ sư kỹ thuật họ còn chuyển qua làm tài chính. Rất nhiều. Vì sự giỏi này khiến đôi khi họ nghĩ được những điều “rất điên” để kiếm ra tiền rất đỉnh, cho cá nhân họ và cho cả tổ chức.

– Họ rất tham: Giỏi không chưa đủ, người kiếm được nhiều tiền vượt trội trong thị trường, thường là những người tham. Trong bài trước mình có nói về tố chất của 1 professional trader, thường thì họ cẩn trọng. Nhưng khi phải tham, họ tham không tiếc tay. Sẵn sàng tìm mọi cách để gom lấy nhiều nhất về túi mình trước khi nó lướt qua. Tránh rủi ro bị thị trường úp ngược thì team quản lý rủi ro giám sát việc này.

– Cái tôi rất cao: Thường chỉ những người ở đủ lâu trên thị trường, bị nhào nặn đến mức phát khóc vì thua lỗ, mới học được cách kiềm chế cái tôi của họ. Nhưng thường là ít, ít vô cùng. Ai đã làm tài chính, hay từ banker ra thì cái tôi to còn hơn châu Á gộp lại. Nhiều khi mình nói đùa với mấy bạn làm cùng tụi mày chắc chỉ thua mỗi tao – ngầm ý ai cũng giống giống nhau về cái tôi cả nên chuyện dễ muốn chứng tỏ mình là dễ hiểu. Có đánh nhau thì đánh đi nhưng thị trường còn đó vẫn phải xử nó.

Làm quản lý quỹ trading, là người phải có cái tôi to, nhưng lại biết cách uyển chuyển mềm dẻo với những người khác để đạt được mục đích chung nhất – là có lợi nhuận tốt và tránh rủi ro từ nội bộ.

Với trader, vì kiến thức với tư duy tốt, kèm với sự tham lam vốn có, ai cũng rất dễ thích thể hiện mình. Đôi khi, là đặt lợi ích của cá nhân lên cao hơn lợi ích chung của tổ chức. Cái này là tình huống thường gặp nhất, vì chỉ cần đội nhóm sơ hở thôi, một người làm liều cũng khiến công sức của cả năm trời vứt luôn xuống biển.

Ba mình từng nói, “Khi làm gì, hãy đặt mình vào vị thế của người đó xem họ cảm thấy thế nào với mọi quyết định và ảnh hưởng của mình”.

Đối diện với những trader dù giỏi, dở gì – phần nhiều là đối diện với rủi ro người đó sẽ đặt cái tôi của bản thân họ lên để chứng tỏ bản thân. Cái này là điều không tránh khỏi, vì trader muốn kiếm ra tiền – bạn phải để họ có 1 sự tự do nhất định trong việc ra tung hoành với thị trường. Tuy nhiên tự do mà hơi quá thì sẽ nhiều hệ luỵ lắm.

May mắn, thì cả đội sẽ ngồi nghe 1 người khoe về chiến tích của mình cả tháng trời, nghe kể ở mọi buổi tiệc hay đến nỗi con bồ của nó cũng nói sao hắn nói nhiều thế. Nói chung khi đã may, thì kiểu gì cũng chấp nhận được cả vì cũng là anh em cũng vào thị trường tiếp vào hôm sau hay hôm sau nữa.

Còn lỡ không may? Cái này là cái khó – phải có cách để giữ cho sự không may đó ít xảy ra nhất có thể mà thôi. Nên mới bảo nó khó còn gì? Đúng không?

Chung quy lại, quản lý con người không thuộc top khó nhất, nhưng như cái nguyên lý thùng gỗ ở trên – gãy ở phần này thì kiểu gì cũng sớm thất bại.

👉 Cập nhật Phương pháp trading mới và hiệu quả nhất trên thế giới bằng 4 Khóa học video miễn phí
Risk Disclaimer: Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của cá nhân tác giả, chỉ có giá trị tham khảo về mặt thông tin, kiến thức và không có giá trị pháp lý về khuyến nghị đầu tư hay thay thế cho việc tư vấn tài chính nào tương đương. Bài viết không đảm bảo bất kỳ khoản lợi nhuận nào hay giảm thiểu rủi ro đầu tư nào cho chính độc giả. VnRebates không chịu trách nhiệm hay liên quan đến khoản đầu tư của độc giả khi sử dụng thông tin từ bài viết này. Bản quyền thuộc về đóng góp của tác giả.