VNREBATES

Định giá cổ phiếu đơn giản và hiệu quả với chỉ số P/E – Chỉ số P/E thế nào là tốt?

06.05.2022, 11:38 16 phút đọc

Định giá cổ phiếu với chỉ số P/E là một phương pháp phổ biến được hầu hết các nhà đầu tư chứng khoán trên thế giới sử dụng. Tuy nhiên để sử dụng P/E như một công cụ định giá cổ phiếu hiệu quả cũng không hề đơn giản và dễ dàng.

Định giá cổ phiếu với chỉ số P/E là một phương pháp định giá đơn giản và hiệu quả, được hầu hết các nhà đầu tư chứng khoán trên thế giới sử dụng mỗi ngày.

Chỉ số P/E có lẽ không lạ lẫm gì với nhiều nhà đầu tư tại Việt Nam, nhưng làm sao để sử dụng chỉ số P/E thực sự hiệu quả để đánh giá cổ phiếu một cách chính xác, từ đó đưa ra các quyết định đầu tư sáng suốt? Cùng theo dõi bài viết dưới đây của VnRebates để tìm lời giải cho thắc mắc trên nhé!

#Kiến_thức_phục_vụ_NGHỀ_Trading

1. Chỉ số P/E là gì?

Tỷ số P/E hay Chỉ số P/E (Price Earnings Ratio hay Price/ Earning Per Share – Tỷ lệ giá trên thu nhập) đánh giá mối quan hệ giữa thị giá (Price) của một cổ phiếu và thu nhập/lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu đó (EPS).

Chỉ số P/E là gì?

Đây là một chỉ số quan trọng mang đến cho nhà đầu tư cảm nhận tốt hơn về giá trị của doanh nghiệp. Chỉ số P/E thể hiện kỳ ​​vọng của thị trường và là mức giá nhà đầu tư phải trả cho mỗi đơn vị lợi nhuận hiện tại (hoặc lợi nhuận trong tương lai, tùy từng trường hợp).

2. Ý nghĩa của chỉ số P/E trong định giá cổ phiếu

Có nhiều cách để hiểu về chỉ số P/E. Cụ thể, theo đúng công thức thì P/E có nghĩa thị giá của cổ phiếu cao gấp bao nhiêu lần thu nhập từ mỗi cổ phiếu đó. Hiểu nôm na là thị giá cổ phiếu đó đang cao hơn, thấp hơn hay ngang bằng với lợi nhuận mà doanh nghiệp đang thực sự tạo ra trên mỗi cổ phiếu.

Hay, nhà đầu tư sẵn sàng giá bao nhiêu cho cổ phiếu của 1 doanh nghiệp dựa trên lợi nhuận/thu nhập của doanh nghiệp đó. Cụ thể hơn là sau bao năm đầu tư thì bạn có thể hoàn vốn từ lợi nhuận của doanh nghiệp.

Hiểu theo công thức là thế, nhưng nếu doanh nghiệp làm ăn thua lỗ dẫn đến EPS âm thì P/E sẽ là bao nhiêu? và đến khi nào mới có thể hoàn vốn được. Do đó, chỉ số P/E có thể hiểu theo nghĩa đơn giản là cho biết kỳ vọng của nhà đầu tư vào doanh nghiệp.

Ví dụ: CTCP Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG trên HOSE) hiện có P/E bằng 6.27.

Điều đó nghĩa là: Nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra 6.27 đồng để đổi lấy 1 đồng lợi nhuận từ HPG.

3. Công thức và cách tính chỉ số P/E

Như đã nói ở trên, Chỉ số P/E là tỷ lệ giữa giá cổ phiếu và EPS (price-to-earning ratio), công thức của nó là:

Công thức tính chỉ số P/E

Theo công thức trên, ta có thể thấy rõ EPS là biến số quan trọng nhất ảnh hưởng đến chỉ số này. Cụ thể, EPS là phần lợi nhuận sau thuế trên mỗi cổ phiếu thường của cổ đông, sau khi đã trừ đi cổ tức ưu đãi.

Hay, EPS chính là phần lợi nhuận mà doanh nghiệp phân bổ cho mỗi cổ phần đang lưu hành trên thị trường và có thể hiện khả năng tạo ra lợi nhuận của doanh nghiệp. Khi EPS dương, tức công ty đang có lãi, khả năng trả cổ tức cao và giá cổ phiếu cũng có xu hướng tăng cao. Ngược lại, khi EPS mang trị số âm, tức là công ty đang làm ăn thua lỗ trong kỳ đó.

Công thức EPS cơ bản:

Ví dụ cách tính chỉ số P/E

Chỉ số P/E năm 2021 của CTCP Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) được tính theo các bước sau:

  • Bước 1: Tìm chỉ tiêu EPS – Lãi cơ bản trên cổ phiếu trên Báo cáo tài chính năm 2021 của doanh nghiệp này.

  • Bước 2: Xác định thị giá cổ phiếu HPG. Việc xác định thị giá cổ phiếu của HPG cũng khá đơn giản, chỉ cần truy cập vào Thống kê giao dịch của mã cổ phiếu này.

Bước 3: Để tính chỉ số P/E của HPG năm 2021, ta sẽ lấy mức giá đóng tại phiên giao dịch cuối cùng của năm 2021 (tức ngày 31/12/2021) là 46.400 đồng/cp chia cho dữ liệu EPS ở trên. Lắp ráp công thức vào, ta tính được chỉ số P/E của HPG năm 2021 = 6.47 (46.400/7.166).

Bạn có thể dễ dàng tính chỉ số P/E bằng các dữ liệu có sẵn trên thị trường, hoặc có thể tra cứu từ các nguồn dữ liệu cổ phiếu của Cafef, Vietstock hay FireAnt…

Xem thêm: EPS – Lãi cơ bản trên cổ phiếu là gì? Cách sử dụng chuẩn nhất

4. Trailing P/E và Forward P/E

Có 2 loại chỉ số P/E mà nhà đầu tư cần quan tâm bao gồm:

  • Trailing P/E: Được tính bằng cách lấy giá cổ phiếu hiện tại chia cho EPS trong 4 quý (12 tháng) vừa qua để cập nhật tình hình kinh doanh của doanh nghiệp.
  • Forward P/E hay P/E dự phóng: Được tính dựa trên EPS ước lượng tại một thời điểm trong tương lai để dự báo thu nhập 4 quý tiếp theo, thể hiện kỳ vọng trong tương lai của nhà đầu tư.

Như vậy, 2 loại P/E cho nhà đầu tư biết điều gì?

Trailing P/E được tính dựa trên những dữ liệu thị trường sát nhất với hiện tại và phản ánh lợi nhuận trong quá khứ nên nhược điểm của nó là hiệu suất trong quá khứ không phải lúc nào cũng dự đoán được hành vi trong tương lai.

Ngược lại khi tính toán P/E dự phóng sử dụng EPS dự phóng, đây là con số không có sẵn, đòi hỏi nhà đầu tư cần phân tích doanh nghiệp và dự báo lợi nhuận trong tương lai hoặc lấy từ báo cáo phân tích của các công ty chứng khoán.

Như vậy, nếu Trailing P/E mang tính chất thị trường, thì P/E dự phóng mới là con số mà nhà đầu tư cần cân nhắc để quyết định đầu tư cổ phiếu, cũng là con số được sử dụng để định giá cổ phiếu.

Xem thêm: Tỷ suất sinh lời trên doanh thu (ROS) là gì? Chỉ số ROS như thế nào là tốt?

#Thực_chiến_NGHỀ_Trading

5. Sử dụng chỉ số P/E hiệu quả để định giá cổ phiếu

5.1 Chỉ số P/E thấp hoặc cao nói cho nhà đầu tư những gì?

Thực tế thì việc chỉ số P/E được đánh giá là thấp hay cao và P/E nói lên được cổ phiếu rẻ hay đắt hay không cũng mang nhiều cách hiểu khác nhau. Khi phân tích chỉ số này, nhà đầu tư cần có sự kết nối với các chỉ số khác trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp.

Chỉ số P/E thấp phản ánh điều gì?

Có rất nhiều lý do để một công ty có mức P/E thấp trong một thời điểm nhất định:

  • Cổ phiếu đang bị định giá thấp so với giá trị thực của chính nó, so với trung bình ngành và đây là cơ hội cho nhà đầu tư mua vào cổ phiếu. Điều đó có nghĩa là doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt hơn, cho thấy giá trị thực của cổ phiếu có thể hơn thế. Hoặc cũng có thể do cổ phiếu có lợi nhuận ổn định và đang đi vào giai đoạn bão hòa, kỳ vọng thị trường thấp dần khiến giá cổ phiếu sụt giảm, lúc đó P/E sẽ thấp.
  • Doanh nghiệp thu được lợi nhuận bất thường như thanh lý tài sản, bán công ty con, nhượng quyền sở hữu đất đai hoặc công nghệ…. Những khoản lợi nhuận không đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của công ty và không có tính lặp lại trong tương lai, và chỉ khiến P/E thấp tromg ngắn hạn thôi.
  • Do việc chốt lời của cổ đông hiện hữu khi họ không còn thấy khả năng phát triển của doanh nghiệp nữa, khiến thị giá cổ phiếu giảm, P/E thấp. Khi đó, dù chỉ số P/E thấp nhưng cổ phiếu lại không được coi là rẻ do triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp không còn sáng sủa.

Chỉ số P/E cao phản ánh điều gì?

Thông thường chỉ số P/E cao thể hiện kỳ vọng của nhà đầu tư vào tăng trưởng thu nhập từ cổ phiếu đó trong tương lai sẽ cao. Thực tế, nhiều nhà đầu tư sẵn sàng trả mức giá rất cao cho những doanh nghiệp hàng đầu thế giới, do đó những doanh nghiệp này có P/E rất cao.

Ví dụ tiêu biểu nhất có lẽ phải nói đến cổ phiếu Tesla và Amazon của 2 vị tỷ phú giàu nhất và nhì hành tinh Elon Musk và Jeff Bezos khi chỉ số P/E của 2 cổ phiếu này đều “cao ngất ngưởng”. P/E hiện tại của Tesla là 200.99 và trong quá khứ P/E của Amazon cũng từng đạt con số này.

chi so P/E

 

Ngoài ra, chỉ số P/E cao không chỉ là là câu chuyện của riêng Tesla hay Amazon, hầu hết những cổ phiếu công nghệ hàng đầu thế giới đều có mức P/E trên 50. Do đó, việc lấy mức P/E của thị trường áp đặt lên P/E của từng cổ phiếu hay thậm chí từng ngành đôi khi cũng không chính xác.

Tuy nhiên, P/E cao còn cho thấy cổ phiếu đang được định giá quá cao so với giá trị thực. 

Xét ví dụ về chỉ số P/E của CTCP Xây dựng FLC Faros (Mã: ROS). Trong 4 năm từ 2018 đến 2021, P/E của ROS luôn cao chót vót.

Nhưng điều đó không có nghĩa ROS cũng giống như Amazon mà do EPS của doanh nghiệp quá thấp và định giá cổ phiếu này quá cao sơ với giá trị thực của nó.

Ngoài ra, P/E đắt hay rẻ còn phụ thuộc vào khẩu vị của nhà đầu tư và từng nhóm ngành. Cụ thể, nhóm ngành thép trên TTCK Việt Nam có P/E không cao, ngay cả doanh nghiệp đầu ngành là CTCP Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) cũng chỉ có P/E chưa đến 10 và hiện tại đang là 6.27, kém xa P/E toàn thị trường.

Trái lại, nhóm bán lẻ lại khá hấp dẫn và P/E các doanh nghiệp đầu ngành như PNJ thậm chí lên tới 24 nhưng nhà đầu tư vẫn sẵn sàng trả giá cao để sở hữu. Do đó, khó có thể nói P/E là đắt hay rẻ mà chỉ đơn giản là phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư với doanh nghiệp.

Xem thêm: Những nhóm cổ phiếu ngành nào sẽ “lên ngôi” trong năm 2022?

5.2 Chỉ số P/E như thế nào là tốt? Nhà đầu tư cần lưu ý gì khi định giá P/E

Chỉ số P/E hiện tại cao hay thấp không có nhiều ý nghĩa nếu nó đứng một mình. Cũng như việc nhìn vào P/E của một cổ phiếu không mấy ý nghĩa nếu nó không được so sánh với P/E trong lịch sử của công ty, P/E của đối thủ cạnh tranh trong cùng ngành cũng như với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận và thu nhập dự kiến của công ty.

Không dễ để kết luận một cổ phiếu có P/E 10 lần là một món hời hay P/E 50 lần là đắt nếu không thực hiện bất kỳ phép so sánh nào.

Để sử dụng hiệu quả chỉ số P/E trong định giá cổ phiếu bạn cần:

  • So sánh tỷ lệ P/E trung bình trong quá khứ để giải đáp thắc mắc liệu cổ phiếu có đang rẻ hơn so với chính nó trong quá khứ hay không? P/E cũng tuân theo quy luật quay về mức trung bình, nghĩa là sau một thời gian biến động nó sẽ có xu hướng quay về mức trung bình dài hạn của nó. Việc bạn cần làm là thống kê chỉ số P/E của cổ phiếu đó trong tối thiều 5 năm và tính mức trung bình dài hạn. Khi đó nếu P/E hiện tại càng thấp hơn mức trung bình dài hạn thì cổ phiếu đó càng hấp dẫn.
  • So sánh với tỷ lệ P/E của các cổ phiếu khác cùng ngành trong nước có sự tương đồng về quy mô (vốn hóa), chất lượng và mức độ rủi ro. Khi các điều kiện kinh doanh, tài chính, vĩ mô như nhau, thì chỉ số P/E càng thấp càng tốt. Tuy nhiên, nhà đầu tư còn cần phải xem xét đến cơ cấu vốn của các công ty được đem ra so sánh. Công ty nào sử dụng nợ vay nhiều hơn, có nghĩa họ phải trả chi phí tài chính nhiều hơn nhưng vẫn mang về cùng EPS. Điều đó cho thấy khả năng tạo ra lợi nhuận của công ty đó tốt hơn so với các công ty còn lại, nhà đầu tư nên rót tiền vào cổ phiếu đó.

Xem thêm: Từ A-Z về chỉ số thị trường chứng khoán Việt Nam

6. Những hạn chế của phương pháp định giá cổ phiếu theo chỉ số P/E

Chỉ số P/E là thước đo rất hiệu quả dựa trên yếu tố kỳ vọng, tâm lý thị trường đối với cổ phiếu với những ưu điểm như dễ dàng nhận định, tính toán, đặc biệt phù hợp với nhà đầu tư mới. Tuy nhiên, phương pháp định giá này cũng tồn tại một số hạn chế như:

  • Rất khó để đưa ra quyết định đầu tư chỉ dựa trên tỷ lệ P/E vì thu nhập được công bố hàng quý trong khi giá cổ phiếu biến động hàng ngày. Vì lý do này, tỷ lệ P/E có thể không phải lúc nào cũng liên quan đến hiệu quả hoạt động của công ty, khiến cho nhà đầu tư mắc sai lầm.
  • Trường hợp P/E âm khi doanh nghiệp báo lỗ thì chỉ số P/E của doanh nghiệp đó sẽ không sử dụng được. Ví dụ ở Việt Nam, dù Tiki liên tục báo lỗ nhưng vẫn được các nhà đầu tư định giá cao.
  • Chất lượng của EPS: Do EPS được tính dựa trên lợi nhuận của doanh nghiệp nên sẽ rất nguy hiểm nếu bạn chưa đánh giá lợi nhuận của doanh nghiệp có bền vững không? Trong nhiều trường hợp doanh nghiệp sử dụng các nghiệp vụ kế toán để điều chỉnh hợp nhuận tăng (giảm) đột biến, phục vụ lợi ích của họ.

Xem thêm: Top 5 diễn đàn chứng khoán lớn nhất TTCK Việt Nam

7. Lời kết

Là một trong những phương pháp định giá cổ phiếu phổ biến và đơn giản nhưng để đánh giá chỉ số P/E bao nhiêu là tốt cũng không hề đơn giản và phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.

Đặc biệt, P/E thể hiện tâm lý thị trường hay kỳ vọng của nhà đầu tư, mà những điều này thực sự rất khó đoán. Thị trường thực tế đã cho thấy những giai đoạn tăng giảm hay những cơn sốt “ảo” không rõ nguyên nhân, dẫn đến chỉ số P/E không phản ánh chính xác.

Do đó, VnRebates khuyên bạn không nên coi chỉ số P/E là nhân tố chính để quyết định mua hay bán cổ phiếu mà cần kết hợp với nhiều chỉ số tài chính khác và áp dụng chúng một cách linh hoạt. 

VnRebates – Nơi Trading là NGHỀ

 

 

👉 Cập nhật Phương pháp trading mới và hiệu quả nhất trên thế giới bằng 4 Khóa học video miễn phí
Risk Disclaimer: Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của cá nhân tác giả, chỉ có giá trị tham khảo về mặt thông tin, kiến thức và không có giá trị pháp lý về khuyến nghị đầu tư hay thay thế cho việc tư vấn tài chính nào tương đương. Bài viết không đảm bảo bất kỳ khoản lợi nhuận nào hay giảm thiểu rủi ro đầu tư nào cho chính độc giả. VnRebates không chịu trách nhiệm hay liên quan đến khoản đầu tư của độc giả khi sử dụng thông tin từ bài viết này. Bản quyền thuộc về đóng góp của tác giả.