VNREBATES

ROS là gì? Thế nào là một chỉ số ROS tốt

21.12.2021, 00:00 13 phút đọc

Ngoài các chỉ số ROA, ROE, EPS,… thì chỉ số ROS là một trong những thông số cơ bản được sử dụng để đánh giá một doanh nghiệp trên thị trường. Vậy chỉ số này có ý nghĩa gì? Cách tính toán và áp dụng ra sao?

Return On Sales (ROS) là chỉ số kinh tế đóng vai trò vô cùng quan trọng trong các phân tích cơ bản. Nó thể hiện sức mạnh tài chính của một công ty niêm yết trên sàn chứng khoán, được xếp ngang hàng với các chỉ số ROA, ROE, EPS… giúp anh em có thể đánh giá đúng tình hình tài chính của doanh nghiệp hiện tại và trong tương lai, hỗ trợ anh em trong việc giao dịch trên thị trường. Vậy anh em đã thực sự có sự hiểu rõ chỉ số ROS là gì ? Giá trị ROS bao nhiêu là phù hợp? Tất cả đều sẽ được giải đáp trong bài viết sau đây của Vnrebates.

1. Chỉ số ROS là gì?

Chỉ số ROS (viết tắt Return On Sales), tức là Tỷ số lợi nhuận trên doanh thu (Tỷ suất sinh lời trên doanh thu, Suất sinh lời của doanh thu). ROS phản ánh nếu doanh nghiệp thu được 100 đồng doanh thu thì được bao nhiêu đồng lợi nhuận chiếm trong đó. Chỉ số ROS tính theo tỷ lệ %. Nó phản ánh quan hệ giữa lợi nhuận ròng dành cho nhà đầu tư và doanh thu của công ty.

ROS là gì

Ví dụ như ROS = 50% thức là 2 đồng doanh thu thuần bỏ ra sẽ thu được 1 đồng lợi nhuận sau thuế.

2. Cách tính chỉ số ROS

Để tính toán được chỉ số ROS, anh em sẽ dựa theo số liệu trên bảng “Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh” của doanh nghiệp. Tính theo công thức:

ROS = Net Profit/ Total Sales * 100% ( Lợi nhuận sau thuế/Tổng doanh thu thuần * 100%)

Ví dụ cụ thể: Đối với báo các tài chính mã VNM năm 2020 có các thông số sau:

ROS là gì

Lợi nhuận sau thuế VNM

 

ROS là gì

Doanh thu VNM

Vậy chỉ số ROS (VNM) = (10.728 / 51.531) x 100%= 20,82%

Hoặc anh em có thể lấy nhanh chỉ số ROS của các công ty đang niêm yết tại một số chuyên trang tài chính – chứng khoán như cafef.vn, vietstock.vn. Anh em hãy tìm kiếm mã cổ phiếu hay tên công ty mà mình quan tâm, và tất cả các thông tin tài chính của công ty đó, bao gồm ROS sẽ được cung cấp đầy đủ.

ROS là gì

Chỉ số ROS của VNM theo quý

3. Ý nghĩa của chỉ số ROS là gì?

Chỉ số ROS cùng các chỉ số đánh giá cơ bản khác như ROA, ROE, EPS,… đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc đánh giá hiệu suất của hoạt động kinh doanh. Nhất là đánh giá việc quản lý chi phí (bán hàng, quản lý doanh nghiệp) tạo ra doanh thu lớn nhất với chi phí thấp nhất.

Xem thêm: EPS – lãi cơ bản trên cổ phiếu là gì?

Vì doanh thu thuần luôn luôn là số dương chính vì thế kết ROS âm hay dương sẽ phụ thuộc vào kết quả của lợi nhuận sau thuế. Cụ thể:

  • ROS âm thì doanh nghiệp đang kinh doanh trong tình trạng thua lỗ. Điều này chứng tỏ các nhà quản lý đang không kiểm soát được chi phí cho hoạt động kinh doanh (chi phí đầu vào, chi phí quản lý doanh nghiệp, bán hàng…)
  • ROS dương đây là dấu hiệu của doanh nghiệp kinh doanh có lãi. Đặc biệt nếu ROS càng lớn thì càng thể hiện công ty đang hoạt động tốt.

Song song đó, giá trị của chỉ số ROS còn phụ thuộc rất nhiều vào đặc điểm của từng ngành nghề. Anh em nên có sự so sánh giá trị ROS so với trung bình chung của ngành nghề đó, để có thể đưa ra được sự đánh giá chuẩn xác nhất.

4. ROS bao nhiêu là tốt?

Trong đánh giá ROS, anh em nên so sánh chỉ số này theo từng ngành nghề mà doanh nghiệp đó hoạt động. Lúc này nếu chỉ số ROS lớn hơn mức trung bình ngành, chứng tỏ doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh tốt.  Còn nếu đánh giá ROS độc lập thì ROS > 10% nghĩa là công ty khoẻ mạnh về tài chính.

Để đánh giá được xu hướng của chỉ số ROS tốt thì công ty phải luôn duy trì tỷ số ROS ổn định hay có thể gia tăng theo thời gian – tương tự như cổ tức của một công ty hoạt động hiệu quả, thường cổ tức sẽ được ổn định hoặc gia tăng theo thời gian đối với các công ty có kết quả kinh doanh tốt. Chúng ta có thể đánh giá ROS của công ty từ 3 đến 5 năm.

Xem thêm: Cổ tức là gì? Top đầu yếu tố quan trọng khi quyết định đầu tư

4.1. So Sánh Theo Trung Bình Của Ngành

Mỗi lĩnh vực hoạt động luôn có sự chênh lệch chỉ số ROS. Anh em không thể so sánh chỉ số ROS của một doanh nghiệp sản xuất để so sánh với một doanh nghiệp dịch vụ được. Cũng như không thể so sánh chỉ số ROS giữa doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục với một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tiêu dùng.

Chính vì vậy để có thể đánh giá khách quan, anh em nên đánh giá ROS của công ty đó so với trung bình ngành được lấy từ chỉ số ROS trung bình của các doanh nghiệp đang tham gia trên thị trường chứng khoán. Nếu ROS của doanh nghiệp lớn hơn thì doanh nghiệp đang hoạt động tốt trong ngành. Và ngược lại nếu chỉ số ROS nhỏ hơn thì doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả trong ngành.

4.2. So Sánh Chỉ Số ROS Với Kết Quả Trong Quá Khứ

Công ty có chỉ số ROS lớn hơn so với trung bình ngành là một dấu hiệu tốt cho thấy doanh nghiệp đang phát triển vững mạnh bền. Tuy nhiên so sánh với các doanh nghiệp cùng ngành là chưa đủ, anh em cũng nên so sánh với chính doanh nghiệp đó trong quá khứ. Tránh trường hợp chỉ số ROS của doanh nghiệp đi xuống nhưng vẫn tốt hơn so với trung bình ngành.

ROS là gì

Chỉ số ROS của HPG qua các năm

Có thể thấy ROS của HPG thể hiện doanh nghiệp kinh doanh giảm hiệu quả vào năm 2019 nhưng nếu xem xét trong vòng 4 năm trở lại đây thì HPG vẫn đang là doanh nghiệp có ROS khá ổn định. Bên cạnh đó, anh em cũng có thể đặt chỉ số ROS đứng độc lập. Cụ thể là nếu ROS>10% thì chứng minh đây là công ty mạnh và ngược lại.

4.3. Đánh Giá Dựa Theo Thời Gian Hoạt Động Của Công Ty

Thời gian hoạt động là một trong những phương thức để đánh giá công ty. Dấu hiệu của một công ty tăng trưởng bền vững là lợi nhuận thuần của doanh nghiệp phải luôn trên đà tăng trưởng ổn định.

Trước tiên, anh em phải đánh giá chỉ số ROS trong từng năm, từng quý của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không có sự gia tăng theo thời gian thì chứng minh họ đang hoạt động không ổn định. Chính vì vậy, nên kiểm tra thật kỹ giá trị chỉ số ROS trong thời gian từ 3 đến 5 năm.

4.4. Đánh Giá Dựa Theo Chiến Lược Hoạt Động Của Công Ty Hiện Tại

Đôi khi, chỉ số ROS âm cũng thuộc vào các chiến lược hoạt động của doanh nghiệp, chiến lược của các quản lý cấp cao nhằm phát triển doanh nghiệp. Chúng ta cần phải đánh giá theo xu thế, chiến lược hoạt động của công ty. Ví dụ:

  • Những doanh nghiệp lớn như CocaCola tại Viêt Nam lỗ 12 năm liên tục nhưng vẫn bán được giá lên đến 900 Triệu USD. Lúc này, chúng ta nên xem xét chiến lược của doanh nghiệp.
  • Hay như VNG đầu tư vào TIKI 384 tỷ. Theo như Vnespress.net đưa tin doanh nghiệp lỗ 218 tỷ ( năm 2017). Tuy nhiên, Cổ phần TIKI vẫn được công ty nước ngoài mua với giá cao gấp 4 lần, vậy VNG đã lời khoảng 300%. Grab cũng tương tự như vậy…

Nếu mục tiêu hoạt động của doanh nghiệp là chiếm lĩnh thị trường thì giá trị chỉ số ROS khó mà có thể dương được. Còn nếu doanh nghiệp hướng tới mục tiêu là lợi nhuận, các nhà quản lý sẽ làm mọi cách để thúc đẩy doanh thu, tối giản chi phí để giá trị ROS cao nhất.

4.5. Đánh Giá Dựa Theo Chu Kỳ Hoạt Động Kinh Doanh Của Doanh Nghiệp

Chu kỳ của doanh nghiệp

Chu kỳ của doanh nghiệp bao gồm 5 giai đoạn: Khởi nghiệp, xây dựng, tăng trưởng, trưởng thành, sau trưởng thành:

  • Khởi nghiệp và xây dựng: là giai đoạn hình thành ý tưởng, tầm nhìn, sứ mệnh, bắt đầu hoạch định kế hoạch và bắt đầu từng bước thực hiện các kế hoạch đó. Trong 2 giai đoạn này giá trị ROS thường sẽ âm tuy nhiên đây sẽ là nền tảng để doanh nghiệp tiếp tục phát triển trong giai đoạn tiếp theo.
  • Tăng trưởng: Giai đoạn này sẽ phát triển mạnh mẽ, chính vì thế giá trị chỉ số ROS thường rất lớn.
  • Trưởng thành: là thời điểm doanh thu và lợi nhuận đạt khổng lồ, đồng thời chỉ số ROS có thể vẫn tăng, nhưng tốc độ tăng trưởng chậm.
  • Giai đoạn sau trưởng thành: đối diện với 3 sự lựa chọn: làm mới lại, suy thoái, duy trì tình trạng ổn định. Làm mới lại đồng nghĩa với việc bắt đầu xây dựng lại doanh nghiệp chỉ số ROS có thể sẽ âm, suy thoái giá trị chỉ số ROS sẽ ngày càng giảm, duy trì tình trạng ổn định giá trị ROS sẽ ở mức tương đương với giai đoạn trưởng thành.

Chu kỳ của sản phẩm

Chỉ số ROS có mối liên hệ trực tiếp đến doanh thu bán hàng của doanh nghiệp, chính vì thế anh em cũng có thể đánh giá trị số ROS thông qua chu kỳ sống của sản phẩm:

  • Giai đoạn giới thiệu sản phẩm: Giai đoạn bắt đầu giới thiệu, sản phẩm vừa đưa ra thị trường. Thông thường chi phí dành cho hoạt động bán hàng, hoạt động quảng cáo thường rất cao. Song song đó doanh thu bán hàng khá thấp. Chính vì thế giá trị ROS thường trong trình trạng âm.
  • Giai đoạn tăng trưởng: Đây là thời điểm khách hàng đã có sự chấp nhận, doanh thu bán hàng sẽ ngày càng tăng, giá trị chỉ số ROS cũng sẽ ngày một tăng lên.
  • Giai đoạn bão hòa: Trong giai đoạn này, doanh thu thuần của doanh nghiệp có thể sẽ chững lại, giá trị ROS cũng chững lại và không có sự tăng trưởng.
  • Giai đoạn suy thoái: Thời điểm này, sản phẩm của doanh nghiệp có thể rút khỏi thị trường, doanh nghiệp nên tiếp tục tiến hành các nghiên cứu và đưa ra các sản phẩm mới nhằm duy trì lợi nhuận và sự phát triển của doanh nghiệp.

5. Mối liên hệ giữa ROS – ROA – ROE

Để đánh giá được hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, nếu chỉ đánh giá qua chỉ số ROS là chưa đủ. Anh em cần đánh giá thông qua các chỉ số ROE và ROA. Không những thế ROS, ROE và ROA có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.

5.1. Mối quan hệ giữa ROS và ROA

Chỉ số ROA (Return on Asset) – tỷ suất lợi nhuận trên tài sản. ROA đánh giá hiệu quả sử dụng vốn, tài sản của doanh nghiệp. Với 1 đồng tài sản anh em đầu tư vào hoạt động kinh doanh sẽ sinh ra bao nhiêu đồng doanh thu.

Xem thêm: Chỉ số ROA là gì? Chỉ số ROA như thế nào là tốt

Số liệu lợi nhuận sau thuế được lấy từ bảng báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tổng tài sản trung bình được thể hiện qua số liệu trong bảng cân đối kế toán.

Mối quan hệ giữa ROA và ROS được thể hiện qua phương trình Dupont:

ROA là gì

Phương trình Dupont

Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy mối quan hệ tương quan giữa ROS và ROA. Cụ thể là, nếu vòng quay tài sản không đổi nếu tỷ số ROS tăng thì tỷ số ROA cũng sẽ tăng và ngược lại.

5.2. Mối liên hệ giữa ROS và ROE

ROS là gì

Mối liên hệ giữa ROS và ROE

Chỉ số ROE (Return on Equity) – tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu. Nghĩa là 1 đồng vốn chủ sở hữu có thể sinh ra được bao nhiêu đồng lợi nhuận.

ROE = Lợi nhuận sau thuế / Vốn chủ sở hữu *100%

Vốn chủ sở hữu được lấy số liệu trên bảng cân đối kế toán ở danh mục nguồn vốn. ROE được tính theo đơn vị %.

Từ công thức liên hệ giữa ROS và ROE ta có:
Hiệu suất sử dụng vốn chủ sở hữu biểu thị với 1 đồng vốn chủ sở hữu thì có thể tạo ra bao nhiêu doanh thu thuần trong hoạt động kinh doanh. Chỉ số này thường có ít ý nghĩa vì doanh thu thuần không phản ánh hết được kết quả kinh doanh của một doanh nghiệp.

Công thức liên hệ trên cho ta biết chỉ số ROE sẽ tỉ lệ thuận với ROS và tỉ lệ thuận với cả Hiệu suất sử dụng vốn chủ sở hữu. Chính vì vậy khi đanh giá thông số ROE cho giá trị cao, anh em chưa nên vội kết luận các yếu tố cơ bản của cổ phiếu mà cần phân tích xem ROE cao do ROS (có ý nghĩa đánh giá cao) hay do hiệu suất sử dụng vốn chủ sở hữu (có ý nghĩa đánh giá thấp).

6. Kết luận

Chỉ số ROS đóng vai trò rất quan trọng trong xác định hiệu suất hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Cách sử dụng chỉ số ROS để đánh giá doanh nghiệp so với trung bình ngành, đánh giá độc lập hoặc đánh giá chỉ số ROS theo thời gian đều là những tiền đề quan trọng mà anh em cần phải có khi đánh giá một doanh nghiệp mà mình muốn đầu tư vào.

Các mối tương quan của ROS với các chỉ số ROA, ROE cũng góp phần đưa ra một hướng tiếp cận mới trong đánh giá, giúp anh em có cái nhìn đa diện về tình hình hoạt động của một công ty được niêm yết bất kì. Thực hành thường xuyên và đánh giá thuần thục các chỉ số cơ bản sẽ góp phần hỗ trợ anh em trong việc ra quyết định đầu tư với sự đối mặt rủi ro thấp nhất.

Chúc anh em thành công trên thị trường!

👉 Cập nhật Phương pháp trading mới và hiệu quả nhất trên thế giới bằng 4 Khóa học video miễn phí
Risk Disclaimer: Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của cá nhân tác giả, chỉ có giá trị tham khảo về mặt thông tin, kiến thức và không có giá trị pháp lý về khuyến nghị đầu tư hay thay thế cho việc tư vấn tài chính nào tương đương. Bài viết không đảm bảo bất kỳ khoản lợi nhuận nào hay giảm thiểu rủi ro đầu tư nào cho chính độc giả. VnRebates không chịu trách nhiệm hay liên quan đến khoản đầu tư của độc giả khi sử dụng thông tin từ bài viết này. Bản quyền thuộc về đóng góp của tác giả.