VNREBATES

Kiến thức cơ bản về chứng khoán cho nhà đầu tư mới

29.08.2022, 20:48 27 phút đọc

Một trong những kênh đầu tư hứa hẹn nhất có lợi nhuận hiện nay đó chính là đầu tư chứng khoán. Nếu như bạn đang muốn đầu tư vào chứng khoán để có được khoản thu nhập thụ động thì việc nắm rõ những kiến thức cơ bản về chứng khoán cũng như cách đầu tư là điều hết sức cần thiết.

Thị trường chứng khoán Việt Nam là một kênh đầu tư có sức hút mạnh mẽ không chỉ nhà đầu tư trong nước mà cả nhà đầu tư nước ngoài. Ghi nhận từ Trung tâm lưu ký chứng khoán, trong 6 tháng đầu 2022, đã ghi nhận hơn 1,85 triệu tài khoản chứng khoán mở mới. Điều này chứng tỏ, đây là một lĩnh vực đầy hứa hẹn phát triển, mang đến tỷ suất lợi nhuận cho các nhà đầu tư. Vậy với một nhà đầu tư mới cần nắm vững kiến thức cơ bản về chứng khoán nào. Cùng theo dõi bài viết sau đây của VnRebates nhé!

Xem thêm: Chứng khoán là gì? Vai trò của chứng khoán đối với nền kinh tế

#Kiến_thức_phục_vụ_NGHỀ_Trading

Những thành phần nào tham gia vào thị trường chứng khoán

Các chủ thể thành phần tham gia thị trường chứng khoán bao gồm các nhóm sau đây:

  • Nhà phát hành: Là các tổ chức phát hành trái phiếu hoặc cổ phiếu nhằm mục đích huy động vốn. Gồm có:

+ Chính phủ phát hành các trái phiếu chính phủ nhằm huy động từ nền kinh tế để bù đắp thâm hụt ngân sách.

+ Chính quyền địa phương chào bán trái phiếu địa phương nhằm mục đích phục vụ đầu tư cho các công trình kinh tế, hoạt động xã hội tại địa phương.

+ Các công ty muốn phát hành cổ phiếu/trái phiếu để huy động vốn phục vụ cho hoạt động sản xuất phát hành trái phiếu công ty.

  • Nhà đầu tư: Là chủ thể cung cấp vốn chính cho thị trường chứng khoán. Gồm có:

+ Nhà đầu tư cá nhân: Chiếm đông đảo (gần 90% giao dịch trên thị trường), vốn nhỏ và dễ dàng đưa ra quyết định trong đầu tư.

+ Nhà đầu tư có tổ chức: Điển hình là các quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm, ngân hàng thương mại,… Họ có lợi thế về tiềm lực tài chính, thông tin nội bộ và chiến lược dài hạn. Nhóm này mang tính dẫn dắt thị trường.

+ Nhà đầu tư nước ngoài: Họ có nguồn lực dồi dào, kinh nghiệm dày dặn và những cổ phiếu học mua/bán đều thu hút sự quan tâm của thị trường.

  • Nhóm các tổ chức kinh doanh chứng khoán:những công ty chứng khoán, quỹ đầu tư,…thực hiện vai trò trung gian kết nối giữa Nhà phát hành và Nhà đầu tư. Ngoài ra, họ còn cung cấp các dịch vụ khác như tư vấn phát hành, lưu ý, kết nối đầu tư,…
  • Nhóm các tổ chức điều hành: Là những cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc điều hành hoạt động của các chủ thế trên gồm: Bộ Tài chính, Sở giao dịch chứng khoán (HoSE, HNX), Tổ chức lưu ký và thanh toán bù trừ chứng khoán, Ủy ban chứng khoán nhà nước,…
Thành phần tham gia thị trường chứng khoán gồm tổ chức phát hành, nhà đầu tư, công ty chứng khoán, tổ chức điều hành

Thành phần tham gia thị trường chứng khoán gồm tổ chức phát hành, nhà đầu tư, công ty chứng khoán, tổ chức điều hành (Nguồn: Internet)

Nguyên tắc hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam

Theo Luật chứng khoán năm 2019, thị trường chứng khoán Việt Nam hoạt động dựa trên 03 nguyên tắc:

  • Nguyên tắc công khai: Nguyên tắc này yêu cầu các chủ thể tham gia thị trường phát công khai, minh bạch và công bằng trong hoạt động giao dịch. Sở giao dịch chứng khoán công bố thông tin về thị trường. Công ty niêm yết phải công bố báo cáo tài chính hằng quý, danh sách người quản lý, cổ đông lớn,…Các công ty chứng khoán công bố hoạt động tự doanh trên thị trường.  
  • Nguyên tắc trung gian: Nguyên tắc này yêu cầu mọi hoạt động mua bán chứng khoán đều được thực hiện thông qua trung gian môi giới. Họ thực hiện đặt lệnh theo yêu cầu của khách hàng và hưởng hoa hồng. Ngoài ra, môi giới còn cung cấp thông tin, tư vấn khách, quản lý tài khoản cho khách.
  • Nguyên tắc đấu giá: Nguyên tắc này yêu cầu giá chứng khoán phải được xác định thông qua việc đấu giá giữa lệnh mua và lệnh bán. Có hai hình thức đấu giá là đấu giá trực tiếp và đấu giá tự động. Đấu giá trực tiếp là việc các nhà môi giới gặp nhau và trực tiếp đấu giá. Đấu giá tự động sẽ xác định giá thông qua hệ thống máy chủ của Sở giao dịch chứng khoán từ lệnh mua/bán của các bên.

Thời gian giao dịch chứng khoán Việt Nam

Cả ba sàn HoSE, HNX và UpCom đều tổ chức giao dịch từ Thứ Hai đến Thứ 6 hằng tuần, trừ các ngày lễ, Tết theo quy định. Các mốc thời gian giao dịch chứng khoán cơ sở được quy định như sau:

  • Giờ mở cửa: Từ 9:00.
  • Giờ đóng cửa: Hết 15:00.
  • Giờ nghỉ trưa: Từ 11:30 đến 13:00.  

Tùy thuộc vào từng sàn, vào từng sản phẩm sẽ có mốc thời gian giao dịch khác nhau. Cụ thể theo bảng bên dưới:

Thời gian giao dịch chứng khoán Việt Nam

Các phiên giao dịch chứng khoán (Nguồn: Internet)

Xem thêm: Phiên giao dịch chứng khoán là gì?

T0, T+1, T+2, T+3 trong chứng khoán là gì?

Chữ T là viết tắt của Transaction, tức được hiểu là ngày giao dịch trong chứng khoán. Cụ thể như sau:

  • T0 là ngày giao dịch, tức là ngày nhà đầu tư thực hiện lệnh bán hoặc mua thành công trên thị trường. Ngày T0 là cơ sở quan trọng để xác định các ngày giao dịch tiếp theo.
  • T+1 (hay T1) là ngày làm việc tiếp theo sau ngày T0.
  • Tương tư, T+2 (T2) và T+3 (T3) là ngày làm việc tiếp theo sau ngày T+1 và T+2.

Lưu ý: Ngày làm việc tiếp theo không tính các ngày nghỉ cuối tuần, lễ Tết theo quy định chung.

Theo quy định mới của Ủy ban chứng khoán nhà nước áp dụng từ ngày 29/09/2022, thời gian T nhằm giúp xác định thời gian cụ thể chứng khoán hoặc tiền về tài khoản như sau:

  • Đối với hoạt động mua chứng khoán: Nhà đầu tư sẽ nhận được cổ phiếu về tài khoản sau 1.5 ngày (còn gọi là T+1.5). Ví dụ: Bạn mua cổ phiếu TCB ngày 22/08/2022 thì vào lúc 13h00 chiều ngày 24/08/2022, mã TCB sẽ về tài khoản và bạn chính thức sở hữu cổ phiếu từ lúc này.
  • Đối với hoạt động bán chứng khoán: Nhà đầu tư sẽ nhận được tiền về tài khoản sau 1.5 ngày (còn gọi là T+1.5). Ví dụ: Bạn mua cổ phiếu TCB ngày buổi chiều ngày 24/08/2022 thì vào lúc 13h00 chiều ngày 26/08/2022, tiền bán sẽ về tài khoản và có thể rút ra.
T0, T1, T2 và T3 trong giao dịch chứng khoán

T0, T1, T2 và T3 trong giao dịch chứng khoán (Nguồn: Internet)

 Giá giá trần, giá sàn, giá tham chiếu

  • Giá trần (Ceiling Price):

Là mức giá cao nhất một mã cổ phiếu được phép tăng trong một phiên giao dịch. Mức giá trần tùy theo từng sàn quy định như sau:

+ HoSE quy định: Giá trần = Giá tham chiếu + 7%.

+ HNX quy định: Giá Trần = Giá tham chiếu + 10%.

+ UpCom quy định: Giá trần = Giá tham chiếu + 15%.

  • Giá sàn (Floor Price):

Là mức giá thấp nhất một mã cổ phiếu được phép giảm trong một phiên giao dịch. Mức giá sàn tùy theo từng sàn quy định như sau:

+ HoSE quy định: Giá sàn = Giá tham chiếu – 7%.

+ HNX quy định: Giá sàn = Giá tham chiếu – 10%.

+ UpCom quy định: Giá sàn = Giá tham chiếu – 15%.

  • Giá tham chiếu:

+ Đối với sàn HoSE và HNX, giá tham chiếu là mức giá đóng cửa trong phiên giao dịch gần nhất của cổ phiếu đó (ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt).

+ Đối với sàn UPCoM, giá tham chiếu được tính theo phương pháp bình quân giá quyền tất cả mức giá giao dịch lô chẵn trong ngày giao dịch trước đó.

Khi đặt mua – bán, nhà đầu tư chỉ được phép mua bán trong phạm vi giá trần và giá sàn, không được cao hơn hoặc thấp hơn khoảng giá này. Ngoài ra, nhà đầu tư thường xem mức giá tham chiếu như thước đo tăng giảm giao động của một cổ phiếu, và từ đó, đưa ra quyết định đặt lệnh hợp lý và đúng đắn nhất.

Giá giá trần, giá sàn, giá tham chiếu

Giá giá trần, giá sàn, giá tham chiếu (Nguồn: Internet)

>> Xem thêm: Lệnh long – short là gì? Chiến lược đánh Long – Short trong chứng khoán

Cổ phiếu Bluechip, Midcap, Penny

Cổ phiếu Bluechip, Midcap và Penny là tên gọi đặc thù của nhóm cổ phiếu có “vốn hóa lớn – Bluechip”, “vốn hóa vừa – Midcap” và “vốn hóa nhỏ – Penny”.

Là loại cổ phiếu công ty vốn hóa lớn từ trên 10.000 tỷ đồng. Đây đều là cổ phiếu của các công ty lớn, có uy tín và tình hình tài chính lành mạnh. Cổ phiếu loại này mang đến thu nhập ổn định, cổ tức thấp và rủi ro thấp. 

Hầu hết các Bluechip đều được nhiều nhà đầu tư ưa chuộng vì tính an toàn, lành mạnh và được nhiều quỹ đầu tư mua vào như FPT, VNM, MSN, VIC,…

  • Cổ phiếu Midcap:

Là loại cổ phiếu của công ty có quy mô vốn hóa vừa phải từ 1.000 đến 10.000 tỷ đồng. Đây là nhóm cổ phiếu được rất nhiều nhà đầu tư ưa chuộng vì nền tảng tài chính cơ bản tốt, tăng trưởng nhanh và phù hợp cho đầu tư tăng trưởng. 

Một số mã Midcap được nhà đầu tư đánh giá cao như: DPM, GEX, DRC,…

Là loại cổ phiếu của công ty có quy mô vốn hóa nhỏ chỉ dưới 1.000 tỷ đồng. Nhóm cổ phiếu này thị giá thấp, vốn hóa thấp, tài chính kém, thanh khoản kém và độ rủi ro cao. Tuy nhiên, Penny luôn thu hút giới đầu cơ vì lợi nhuận cổ phiếu nhóm này mang lại lớn hơn rất nhiều so với hai nhóm cổ phiếu trên. Cổ phiếu Penny nên chiếm tỷ trọng thấp trong danh mục đầu tư của bạn, vì tính rủi ro rất cao. 

Một số mã cổ phiếu Penny thu hút giới đầu cơ như FLC, HQC, ITA,…

Các loại cổ phiếu Bluechip, Midcap và Penny

Các loại cổ phiếu Bluechip, Midcap và Penny (Nguồn: Internet)

Các chỉ số chứng khoán cơ bản Việt Nam và thế giới

Chỉ số chứng khoán là thước đo phản ánh tình hình biến động của thị trường trong một ngày giao dịch. Tùy theo từng quốc gia, mục đích và cách tính thì chỉ số chứng khoán được chia làm nhiều loại cụ thể như sau:

Xem chi tiết: Các chỉ số chứng khoán quan trọng Việt Nam và Mỹ

Các loại lệnh trong giao dịch chứng khoán

Khi mua bán cổ phiếu, các nhà đầu tư nên quan tâm đến các loại lệnh đang giao dịch để giúp đưa ra quyết định giao dịch đúng đắn nhất. Sau đây, VnRebates giới thiệu bạn các loại lệnh sau:

  • Lệnh ATO

Là loại lệnh nhà đầu tư đặt mua – bán chứng khoán tại mức giá mở cửa. Đây là lệnh khớp theo nguyên tắc định kỳ nhằm để xác định mức giá mở cửa diễn ra từ 9:00 đến 9:15 đối với sàn HoSE. Sàn HNX và UpCom không có lệnh ATO.  

Lệnh ATO thường được các nhà đầu tư tổ chức và quỹ đầu tư sử dụng để xác định mức giá đầu tiên trong ngày. Vì thế, các nhà đầu tư cá nhân nên lưu ý hạn chế đặt mua hoặc bán với lệnh ATO thì khó kiểm soát giá khớp.

  • Lệnh giới hạn (LO) 

Là loại lệnh mua – bán chứng khoán tại mức giá xác định. Lệnh LO diễn ra trong phiên khớp lệnh liên tục của cả 3 sàn và được hầu hết các nhà đầu tư sử dụng khi đặt lệnh. Khi nhà đầu tư đặt lệnh nên lưu ý chọn giá tốt nhất trên bảng điện để có thể khớp lệnh nhanh, vì lệnh LO sẽ bị hủy khi hết ngày giao dịch.

  • Lệnh thị trường (MP)

Là loại lệnh mua – bán chứng khoán tại mức giá có sẵn, khi đặt lệnh MP bạn sẽ khớp giá bán thấp nhất hoặc giá mua cao nhất hiện có trên thị trường. Lệnh MP diễn ra chỉ trên sàn HoSE trong phiên khớp lệnh liên tục.

Đây là loại lệnh thường được dùng với cụm từ “mua đuổi – bán tháo”, vì với lệnh MP bạn không thể xác định giá tốt nhất khi mua bán.

Là loại lệnh nhà đầu tư đặt mua – bán chứng khoán tại mức giá đóng cửa. Đây là lệnh khớp theo nguyên tắc định kỳ nhằm để xác định mức giá đóng cửa diễn ra từ 14:30 đến 14:45 đối với sàn HoSE và HNX. Trên sàn UpCom không có lệnh ATC. Lệnh này sẽ tự động hủy khi đã hết phiên cho dù đã được thực hiện hết hay không.

  • Lệnh khớp lệnh sau giờ (PLO)

Là một loại lệnh đặt biệt, cho phép nhà đầu tư mua – bán chứng khoán tại mức giá đóng cửa sau giờ giao dịch. Lệnh PLO chỉ được thực hiện trong phiên giao dịch sau giờ và khớp nếu có lệnh đối ứng chờ sẵn.

Xem chi tiết: Các loại lệnh chứng khoán cho người mới đầu tư

Cách đọc bảng giá chứng khoán

Hiểu và đọc được bảng giá chứng khoán là bước đầu tiên khi giao dịch trên thị trường chứng khoán. Tại Việt Nam có ba bảng giá của cả 3 sàn HoSE, HNX và UpCom. Ngoài ra, bảng giá còn thể hiện giao dịch phái sinh, chứng quyền,

Bảng giá chứng khoán

Bảng giá chứng khoán (Nguồn: mbs.com.vn)

Các chi tiết cơ bản của một bảng giá, gồm:

  • “Mã CK” (Mã chứng khoán): Gồm các mã chứng khoán sắp xếp theo chữ cái từ A – Z.
  • “TC” (Giá Tham chiếu): Là giá đóng cửa của phiên giao dịch gần nhất trước đó. Đây là cơ sở để tính toán giá trần, sàn của cổ phiếu trong phiên.
  • “Trần” (Giá Trần): Là mức giá cao nhất nhà đầu tư được phép giao dịch.
  • “Sàn” (Giá Sàn): Là mức giá thấp nhất nhà đầu tư được phép giao dịch.
  • “Tổng KL” (Tổng khối lượng): Là khối lượng cổ phiếu đã và đang giao dịch trong một phiên.
  • “Bên mua”: Hiển thị ba mức giá đặt mua tốt nhất và khối lượng của từng giá đặt mua tương ứng.
  • “Bên bán”: Hiển thị ba mức giá bán tốt nhất và khối lượng của từng giá chào bán tương ứng.
  • “Khớp lệnh”: Hiển thị giá khớp lệnh gần nhất của cổ phiếu về giá và khối lượng.
  • “Dư mua / Dư bán”: Biểu thị khối lượng của một cổ phiếu đang chờ khớp ở giữa bên chiều mua và bên bán.
  • “ĐTNN” (Đầu tư nước ngoài): Hiển thị khối lượng đã khớp cổ phiếu giao dịch bởi Nhà đầu tư nước ngoài trong phiên.

Xem chi tiết: Hướng dẫn cách đọc bảng điện tử chứng khoán chi tiết

Cách mở tài khoản chứng khoán cơ bản

Hiện nay, các công ty chứng khoán cho phép nhà đầu tư mở tài khoản dưới hai hình thức: trực tiếp và online.

  • Mở tài khoản trực tiếp: Để thực hiện, nhà đầu tư chỉ cần đem Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân đến trực tiếp chi nhánh hoặc phòng giao dịch của công ty chứng khoán. Ngoài ra, tùy từng công ty chứng khoán, các nhà đầu tư sẽ được hướng dẫn chi tiết quy trình mở tài khoản khác nhau.
  • Mở tài khoản online: Hiện nay, nhiều công ty chứng khoán đã cho phép khách hàng tự mở tài khoản online thông qua hệ thống KYC trên App hoặc Website. Nhà đầu tư cần chuẩn bị Giấy tờ tùy thân (Chứng minh hoặc Căn cước) và số điện thoại chính chủ để nhận OTP khi thực hiện mở tài khoản. Ngoài ra, nhà đầu tư còn được yêu cầu xác minh khuôn mặt bằng camera.

Sau khi mở thành công, nhà đầu tư sẽ nhận được Email của công ty chứng khoán yêu cầu cung cấp: 02 bản Giấy đăng ký mở tài khoản và 02 bản photo Giấy tờ tùy thân. Nhà đầu tư nên gửi qua bưu điện tới công ty chứng khoán hoặc nhân viên chăm sóc của mình. Sau đó khoảng từ 3 – 4 ngày, nhà đầu tư đã có thể thực hiện giao dịch trên sàn.

Mở tài khoản chứng khoán

Mở tài khoản chứng khoán (Nguồn: Internet)

Cách nộp tiền vào tài khoản để giao dịch

Có 03 cách sau đây, nhà đầu tư tham khảo để nạp tiền vào tài khoản nhé:

  • Cách 1: Trực tiếp đến Chi nhánh hoặc Phòng giao dịch của Công ty chứng khoán để nộp tiền.
  • Cách 2: Chuyển khoản đến số tài khoản của Công ty chứng khoán. Khi chuyển khoản, nhà đầu tư cần kiểm tra rõ Họ tên, Số tài khoản, Nội dung gửi tiền theo quy định của công ty. Việc này giúp tiền vào tài khoản nhanh và hạn chế treo tiền nhé.
  • Cách 3: Chuyển khoản nhanh chóng từ Mobile Banking hoặc Internet Banking đã liên kết sẵn với Công ty chứng khoán. Cách này tương tư cách 2, nhưng bạn chỉ cần nhập số tài khoản và chuyển khoản với thời gian 5 phút sẽ có tiền trong tài khoản.

Cách đặt lệnh mua bán chứng khoán online

Bạn có thể đặt lệnh online thông qua App hoặc Website của Công ty chứng khoán. Từng Công ty chứng khoán sẽ có giao diện đặt lệnh khác nhau, tuy nhiên một số thông tin như Mã Chứng khoán, Giá, Khối lượng, Chọn lệnh, Mua hoặc Bán thì tất cả Công ty chứng khoán đều yêu cầu như nhau.

Do đó, nhà đầu tư cần nắm rõ cổ phiếu mình muốn giao dịch là gì, bao nhiêu, mua hay bán và loại lệnh phù hợp để giao dịch tốt nhất nhé.

Tham khảo: Top 9 app đầu tư chứng khoán uy tín, tốt nhất Việt Nam

Lưu ký chứng khoán là gì?

Lưu ký chứng khoán là hoạt động ký gửi, giữ gìn và ghi nhận việc chuyển giao quyền sở hữu chứng khoán của nhà đầu tư tại Trung tâm lưu ký chứng khoán. Nhờ vậy, nhà đầu tư chúng ta xác định rõ quyền sở hữu hợp pháp chứng khoán của mình. Đây là việc bắt buộc và nhà đầu tư bắt buộc phải đóng 0.3 đồng/cổ phiếu để được lưu ký tên sở hữu cổ phiếu đó.

Đầu tư chứng khoán cần bao nhiêu tiền?

Trên thực tế, công ty chứng khoán không yêu cầu số tiền tối thiểu cần để giao dịch. Do đó từ vài trăm đến vài triệu thì nhà đầu tư hoàn toàn có thể đầu tư chứng khoán. Tuy nhiên, số vốn bỏ ra nhiều sẽ mang lại lợi nhuận khả thi hơn.

Trên quan điểm của VnRebates, nhà đầu tư mới tham gia thị trường nên lựa chọn các cổ phiếu Bluechip hoặc Midcap để làm quen dần vì tính ổn định và rủi ro thấp. Một mã Midcap, Bluechip có giá dao động từ 20.000 đến 100.000 đồng, với khối lượng yêu cầu tối thiểu 100 cổ phiếu/lô giao dịch, thì nhà đầu tư nên cần từ 2.000.000 đến 10.000.000 đồng để đầu tư hiệu quả nhất nhé.

Đầu tư chứng khoán cần bao nhiêu tiền?

Nhà đầu tư nên cần từ 2.000.000 đến 10.000.000 đồng để đầu tư chứng khoán hiệu quả  (Nguồn: Internet)

Cách chọn cổ phiếu tốt để đầu tư

Với một nhà đầu tư mới, nên lựa chọn cổ phiếu tốt theo các tiêu chí như vốn hóa thị trường, doanh thu tăng trưởng ổn định, P/E và P/B cổ phiếu thấp hơn P/E và P/B ngành, lãi ròng, tổng tài sản, vốn chủ sở hữu, ROA và ROE,… Dựa vào đây, hiện tại có rất nhiều phương pháp đầu tư nổi tiếng như:

  • Phương pháp CANSLIM: Là phương pháp được sáng lập bởi William O’Neil với tiêu chí C (Current Earnings), A (Annual Earnings), N (New Product), S (Supply), L (Leading), I (Institutional sponsorship) và M (Market direction).
  • Phương pháp chọn cổ phiếu đầu tư tăng trưởng: Là phương pháp tập trung vốn vào các cổ phiếu có tính tăng trưởng cao với các tiêu chí sau:
Tiêu chí Yêu cầu
Vốn hóa > 500 tỷ đồng
Tăng trưởng lợi nhuận 4 quý gần nhất > 25%
Tăng trưởng lợi nhuận quý gần nhất > 25%
Tăng trưởng doanh thu quý gần nhất > 15%
P/E < 20

 

  • Phương pháp chọn cổ phiếu đầu tư giá trị: Là phương pháp tập trung vốn vào các cổ phiếu có tính tăng trưởng ổn định với các tiêu chí sau:
Tiêu chí Yêu cầu
Vốn hóa > 500 tỷ đồng
Tăng trưởng doanh thu 3 năm > 0
Tăng trưởng lợi nhuận 3 năm > 0
Lãi gộp > 25%
ROE > 15%
ROA > 7%
Tổng nợ/ Vốn chủ sở hữu < 1
P/E < 10

Xem thêm:

Một số thuật ngữ khác về chứng khoán nhà đầu tư mới cần biết

Hình thức bán khống

Hình thức này cho phép nhà đầu tư bán chứng khoán cho dù không sở hữu nó. Người bán khống sẽ phải mượn chứng khoán từ người khác, sau đó mua trả lại. Bán khống được thực hiện khi nhà giao dịch cảm thấy giá cổ phiếu có khả năng sụt giảm. Hình thức này không hề xấu, nhờ có bán khống mà tính thanh khoản của thị trường sẽ tăng trưởng và cổ phiếu sớm lấy lại được vị thế cân bằng về giá trên thị trường.

Bán khống cho phép nhà đầu tư bán chứng khoán cho dù không sở hữu nó (Nguồn: Internet)

ALT: Bán khống cho phép nhà đầu tư bán chứng khoán cho dù không sở hữu nó

Dao động về giá

Dao động về giá là khoảng giá mà một cổ phiếu có thể tăng hoặc giảm trong một phiên, tính theo giá tham chiếu. Giá để tham chiếu thông thường là mức giá đóng cửa vào ngày hôm trước của sàn giao dịch hoặc được tính toán dựa trên mức giá đóng cửa đó.

Mức dao động về giá của cổ phiếu trên sàn HOSE LÀ +/-7%, của cổ phiếu trên sàn HNX là +/-10% so với mức giá tham chiếu. Mức giá cao nhất trên sàn giao dịch được gọi là giá sàn. Trên bảng hiển thị giá chứng khoán, giá trần sẽ hiển thị màu tím, giá sàn sẽ hiển thị bằng màu xanh lúc, còn giá tham chiếu sẽ hiển thị bằng màu vàng.

Margin là gì?

Margin có nghĩa là giao dịch ký quỹ, đây là hình thức mà nhà giao dịch sẽ mượn nợ của công ty chứng khoán về để mua cổ phiếu.

Để có thể thực hiện giao dịch ký quỹ thì nhà đầu tư cần phải có một khoản tiền nhất định trong tài khoản giao dịch. Với những mã đã có mức thanh khoản tốt thì tỷ lệ Margin sẽ đủ nội lực lên đến 100%. Cụ thể là nếu các bạn có 100 triệu thì đủ sức để có thể vay thêm 100 triệu nữa để tham gia mua chứng khoán.

Việc tỷ lệ vay thêm tối đa là bao nhiêu so với vốn gốc sẽ phụ thuộc vào loại chứng khoán cũng như công ty chứng khoán mà các bạn tham gia.

Kết luận

Với những kiến thức chứng khoán cơ bản mà VnRebates vừa cung cấp, hy vọng các bạn đã có cái nhìn ban đầu thật chi tiết về thị trường chứng khoán, cũng như có thêm sự tự tin và hiểu biết để bước chân vào thị trường này. Tuy nhiên, đầu tư trên thị trường nào cũng có rủi ro, nên các bạn cần cân nhắc kỹ lưỡng cũng như tìm hiểu sâu hơn nữa trước khi rót tiền của mình vào thị trường nhé.

VnRebates – Nơi Trading là NGHỀ

👉 Cập nhật Phương pháp trading mới và hiệu quả nhất trên thế giới bằng 4 Khóa học video miễn phí
Risk Disclaimer: Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của cá nhân tác giả, chỉ có giá trị tham khảo về mặt thông tin, kiến thức và không có giá trị pháp lý về khuyến nghị đầu tư hay thay thế cho việc tư vấn tài chính nào tương đương. Bài viết không đảm bảo bất kỳ khoản lợi nhuận nào hay giảm thiểu rủi ro đầu tư nào cho chính độc giả. VnRebates không chịu trách nhiệm hay liên quan đến khoản đầu tư của độc giả khi sử dụng thông tin từ bài viết này. Bản quyền thuộc về đóng góp của tác giả.